Hãy ăn Tết Dương, và chúng ta sẽ hùng mạnh như nước Nhật.
Ăn Tết âm hay chuyển sang Tết dương là câu chuyện tranh cãi theo mùa không chán mấy năm nay.
Tôi từng tham gia vào cuộc tranh luận đó, nhưng như nhiều chuyện trên Facebook, sẽ đến lúc chúng ta thấy mệt mỏi và phải dừng lại vì thường đối tượng tranh cãi cuối cùng lại đi rất xa so với lúc đầu. Tôi để ý đến câu chuyện này vì một việc khác. Đó là để bảo vệ lý lẽ của mình, những người ủng hộ bỏ Tết âm lấy nước Nhật làm ví dụ noi gương.
Vào triều đại Minh Trị, người Nhật đã chuyển từ dùng lịch Âm sang lịch Dương, nhằm phương Tây hoá toàn diện đất nước, tạo động lực phát triển. Kết quả là một thần kỳ Nhật Bản như hôm nay. Người Việt Nam đi sau, tất nhiên cần học tập ngay từ bước đầu tiên mang tính biểu tượng ấy.
Nước Nhật hẳn là một ví dụ quá tuyệt vời. Là quốc gia mà người Việt ưa thích nhất (tỷ lệ ưa thích đạt 82%, so với Trung Quốc 19% theo một khảo sát của Pew Research Center), đứng đầu trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, lại là điểm đến mơ ước của cả du học sinh lẫn người xuất khẩu lao động trong nước.
Thông điệp rất rõ ràng: hãy ăn Tết Dương, và chúng ta sẽ hùng mạnh như nước Nhật.
Điểm yếu duy nhất của thông điệp là có thể nó dựa trên một câu chuyện không có thật. Bởi Nhật Hoàng Minh Trị thay đổi lịch “ăn Tết” của người Nhật không phải bởi muốn “phương Tây hoá” nhanh chóng, mà có lý do… khá tầm thường với nhiều người.
Vào năm 1872, sau khi thiết lập hệ thống tiền lương theo tháng mới, chính quyền Minh Trị buộc phải đổi sang Dương lịch do năm đó sẽ có thêm 1 tháng nhuận nếu dùng Âm lịch, và chính phủ mới thì đã cạn ngân khố. Đó là câu chuyện kể lại bởi Shigenobu Okuma, chính trị gia đời đầu thời Minh Trị và là nhà sáng lập của Đại học Waseda danh tiếng.
Câu chuyện Tết của người Nhật cũng tương tự một câu chuyện tự cường khác mà chúng ta hay được nghe kể lại. Đó là chuyện người Hàn Quốc, sau những năm gắng gượng mà vẫn nghèo trong thập niên 1960, quyết định sao chép toàn bộ sách giáo khoa của người Nhật để học tập. Nhờ vậy, chỉ sau 20 năm Hàn Quốc đã trở thành con hổ châu Á, từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất trong hào quang chói lọi của kỳ tích sông Hàn.
Nếu một người tỉnh táo, và hiểu mối quan hệ lịch sử phức tạp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, sẽ biết câu chuyện đó không có cơ sở. Nhưng nó đã lưu truyền mạnh đến mức, từng có một tập đoàn lớn tại nước ta định đầu tư hàng trăm tỷ cho giáo dục dựa trên câu chuyện ấy; hay chính xác hơn là triết lý “đi copy cho nhanh”.
Cả hai câu chuyện nói trên đều được xếp vào danh mục “huyền thoại mạng”: những câu chuyện tưởng tượng làm bàn đẩy cho những cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam. Từ điển Oxford năm nay đã thêm từ mới, gọi đó là “post-truth” - hậu sự thật.
Từ điển này định nghĩa “post-truth” là “biểu thị tình huống khi thực tế khách quan kém ảnh hưởng hơn so với niềm tin cá nhân và mang tính cảm xúc trong việc định hình quan điểm công chúng”. Một định nghĩa hơi phức tạp, nhưng nhìn chung có thể giải thích qua những ví dụ chúng ta gặp hàng ngày.
Đó là việc thể hiện ngay thái độ bất mãn và phẫn nộ mỗi khi có thông tin tiêu cực xuất hiện, thuật ngữ mạng gọi là auto-chửi, không cần biết thông tin đó chính xác đến mức độ nào.
Đó là việc nhanh chóng tin tưởng và chia sẻ những tin đồn thất thiệt, bất chấp nguồn gốc và độ hợp lý của nó.
Đó là việc vẽ ra những câu chuyện không có thật nhằm lôi cuốn cảm xúc phi lý trí của đám đông, qua đó phục vụ mưu đồ riêng của mình.
Từ điển Oxford chọn “post-truth” là từ khoá của năm 2016, một năm mà cảm tính lên ngôi trước lý trí với sức công phá mãnh liệt của “fake news” (tin vịt) và những bài diễn thuyết dân túy trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh và bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ở Việt Nam, tác động của các “huyền thoại mạng” có lẽ chưa lớn đến mức như vậy, ngoại trừ việc nó tạo ra thứ thuốc phiện tinh thần cho nhiều người. Chuyện Tết người Nhật hay sách giáo khoa người Hàn suy cho cùng cũng chỉ để nhiều người tổng hợp likes và comments trước khi đi ngủ, không có nhiều giá trị thực tiễn. Những tin đồn thất thiệt gây hại cho cộng đồng dễ dàng được tạo ra và lan tỏa cũng nhờ cái kỷ nguyên “hậu sự thật” này.
Nhưng cũng giống như thuốc phiện, “huyền thoại” càng dùng lâu càng kéo người ta vào vũng lầy không lối thoát của niềm tin mù quáng, của thói quen sử dụng sự giả dối để đạt được mục đích. Một người không quan tâm đến sự thật thì rất đáng sợ, nhưng cả cộng đồng không quan tâm đến sự thật thì đó là thảm họa.
Kết quả không bao giờ biện minh được cho phương tiện. Thay đổi thực sự không thể xuất phát từ những kỳ vọng không có thật. Vì chỉ khi thực sự muốn và dám nhìn thẳng vào sự thật, thì sự thay đổi tích cực mới có thể bắt đầu.
Cuối cùng, có thể một ngày nào đó chúng ta hoàn toàn chuyển sang ăn Tết Dương. Có thể dùng sách giáo khoa tiên tiến của Nhật. Nhưng tôi mong, nếu có ngày đó, thì đó phải là kết quả của những tranh luận và cân nhắc dựa trên sự thật, chứ không phải qua những huyền thoại dựng lên từ bàn phím.
Kênh giải trí Kinh Môn - Hải Dương 24H
Post a Comment